02
Th08
OCOP là gì ? Định nghĩa OCOP
Trước hết ta cần hiểu OCOP là chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (tiếng Anh là One commune, one product- viết tắt là OCOP) do Việt Nam triển khai trên cơ sở học tập mô hình từ phong trào OVOP Nhật Bản “Mỗi làng một sản phẩm của của Nhật Bản” (tiếng Anh là One village, one product- viết tắt là OVOP). Phong trào này được triển khai đầu tiên ở Nhật bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
Đến nay đã có hơn 40 nước học theo và đã triển khai rất thành công, góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn. “Mỗi xã, phường một sản phẩm” OCOP thực chất là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương vốn dĩ là những tiềm năng lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Trong Chương trình này Nhà nước đóng vai trò tạo ra “sân chơi” bằng cách ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như: đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành lên các kênh phân phối sản phẩm…còn người dân đóng vai trò chính trong sân chơi này, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình, đồng thời phải làm sao để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình OCOP. Yếu tố này không chỉ thể hiện ở bản thân chất lượng của hàng hóa được kết tinh ở khâu sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến và bảo quản đã được giám định kỹ lưỡng, mà phải làm thế nào tạo ra được ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao trong hành vi của mỗi người dân. Ngoài ra nó còn thể hiện ở nghệ thuật bao bì, đóng gói sao cho hấp dẫn và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng.
Mục tiêu của đề án OCOP là gì?
Đề án OCOP triển khai nhằm thực hiện việc phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Việc thực hiện thành công đề án OCOP có ý nghĩa như thế nào?
Việc phát triển Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” ở Quảng Ninh có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội. Thứ nhất là, khi triển khai thành công nó sẽ giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới; Hai là, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn Quảng Ninh; Ba là, góp phần làm giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả tinh thần “Ly nông, bất ly hương”; Bốn là, thông qua chương trình góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đây chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững kinh tế nông thôn của tỉnh. Năm là, OCOP tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh.
Đề án OCOP Quảng Ninh tập trung thực hiện những nội dung gì?
Đề án OCOP Quảng Ninh tập trung thực hiện 6 nội dung chính gồm:
(1) Khởi động: Ở nội dung này, tỉnh Quảng Ninh tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án và tuyên truyền sâu rộng đến các cấp các ngành, nhất là các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ sản xuất kinh doanh biết, hiểu và đăng ký tham gia Chương trình. Thành lập bộ máy là Ban điều hành OCOP các cấp để tổ chức thực hiện đề án.
(2) Đánh giá thực trạng sản phẩm truyền thống tỉnh Quảng Ninh: Tổng hợp và phân tích các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến phát triển thị trường các sản phẩm truyền thống. Rà soát tài liệu tham khảo, thu thập số liệu thứ cấp của tỉnh Quảng Ninh. Điều tra khảo sát lấy số liệu sơ cấp trên toàn tỉnh về hiện trạng các sản phẩm truyền thống và các chương trình đang triển khai trong tỉnh (như Chương trình xây dựng thương hiệu…). Phân tích dữ liệu, xây dựng báo cáo đánh giá ưu thế, khả năng cạnh tranh và đề xuất giải pháp hỗ trợ phát triển một số sản phẩm OCOP bằng các công cụ như phân tích SWOT, phân tích “cây vấn đề”, phân tích chính sách và phân tích chuỗi giá trị. Tổ chức các đoàn tham quan học tập kinh nghiệm chương trình mỗi làng một sản phẩm ở trong và ngoài nước.
(3) Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết: Trên cơ sở điều tra, đánh giá, đề xuất, xây dựng kế hoạch chi tiết các hoạt động nhằm triển khai OCOP của Quảng Ninh, từng bước hình thành và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm truyền thống ưu tiên của tỉnh. Các hoạt động cụ thể bao gồm: (1) Rà soát các kế hoạch phát triển KT-XH, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án phát triển nông thôn của Quảng Ninh nhằm xây dựng kế hoạch lồng ghép hiệu quả. (2) Hội thảo tham vấn lãnh đạo và chuyên gia trong nước (trong và ngoài tỉnh) và quốc tế (Thái Lan, Nhật Bản và các tổ chức quốc tế). (3) Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện dự án.
(4) Xây dựng hệ thống tổ chức OCOP Quảng Ninh: Để triển khai kế hoạch có hiệu quả, hệ thống tổ chức hỗ trợ cho làng xã trong đề án OCOP sẽ được xây dựng nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thương mại hoá sản phẩm truyền thống. Gồm các hoạt động cụ thể sau: (1) Xây dựng hệ thống tổ chức và cơ chế cho hệ thống OCOP từ tỉnh – huyện – xã nhằm hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hoá sản phẩm truyền thống. Ban điều hành OCOP- QN được đặt tại Ban xây dựng Nông thôn mới Quảng Ninh. Ban điều hành là một cơ quan có nhiệm vụ tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình OCOP gắn với Chương trình xây dựng NTM. Cấp huyện, xã không có văn phòng riêng mà được đặt trên cơ sở là các Ban quản lý Xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã, có quy định thêm nhiệm vụ, gồm chức năng nhiệm vụ của Ban và của các cá nhân (trong bản mô tả công việc). (2) Xây dựng chu trình chuẩn (lựa chọn, hỗ trợ phát triển, đầu tư, v.v…) cho Đề án OCOP Quảng Ninh. (3) Xây dựng và công khai hệ thống các tiêu chí. (4) Tham vấn lãnh đạo và chuyên gia trong nước và quốc tế. (5) Triển khai tập huấn cho các cán bộ được lựa chọn vào hệ thống tổ chức OCOP- QN về mọi mặt liên quan đến Đề án. (6) Tuyên truyền tới các cộng đồng về OCOP Quảng Ninh. (7) Triển khai giám sát hoạt động của bộ máy trong năm đầu tiên.
(5) Triển khai thực hiện OCOP: Để triển khai Đề án OCOP Quảng Ninh cần thực hiện các công việc sau: (1) Ban điều hành OCOP và nhóm tư vấn hỗ trợ hệ thống tổ chức OCOP Quảng Ninh (các cấp tỉnh – huyện – xã) thực hiện áp dụng chu trình chuẩn của OCOP. (2) Xây dựng website cho OCOP-QN. (3) Tổ chức triển khai chu trình OCOP cho 40- 60 sản phẩm (4) Xây dựng hệ thống hỗ trợ xúc tiến và quảng bá các sản phẩm OCOP Quảng Ninh như: Xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch, lễ hội trong tỉnh. Tổ chức Festival sản phẩm truyền thống gắn với du lịch. Hỗ trợ cộng đồng quảng bá và tiếp thị sản phẩm.
(6) Tổng kết Đề án OCOP: Tổng kết bài học kinh nghiệm, xây dựng giáo trình tập huấn và tổ chức đào tạo nhằm mở rộng đề án nhằm phát triển và thương mại hoá các sản phẩm truyền thống toàn tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể các hoạt động cần triển khai gồm: (1) Giám sát, đánh giá và tổng kết bài học kinh nghiệm. (2) Tổng hợp từ các giáo trình đào tạo tập huấn, kế hoạch hoạt động đã có để xây dựng giáo trình tập huấn phát triển OCOP (Hình thành và quản lý tổ chức kinh tế làng xã, phát triển sản phẩm, phát triển kinh doanh, v.v.). (3) Thực hiện các dự án truyền thông nhằm tuyên truyền về OCOP Quảng Ninh. (4) Xuất bản các sản phẩm nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển đề án OCOP Quảng Ninh. (5) Hội thảo về OCOP Quảng Ninh (Hội thảo 2) nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm và hình thành kế hoạch mới.
Trách nhiệm của các chủ thể tham gia OCOP như thế nào?
(1) Vai trò của Nhà nước: Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức chính của Đề án OCOP là Ban điều hành OCOP Quảng Ninh. Chịu trách nhiệm trong việc xây dựng Đề án, phối hợp với các đơn vị tư vấn, triển khai các hoạt động và huy động các nguồn kinh phí để thực hiện đề án. Đồng thời có trách nhiệm điều phối các hoạt động của các đơn vị tham gia đề án. Các sở, ban, ngành liên quan trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình tham gia các khâu của đề án, trong đó tạo trung tham mưu ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như: đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng, hình thành lên các kênh phân phối sản phẩm rộng rãi trong và ngoài tỉnh…
(2) Vai trò của Chính quyền các cấp (UBND cấp huyện, xã): Hình thành, quản lý hoạt động cho các bộ phận, cá nhân thuộc hệ thống tổ chức OCOP cùng cấp; Ban hành và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ; Phân bổ, điều chỉnh các nguồn lực thực hiện; tuyên truyền về OCOP qua hệ thống của mình; Tổ chức cuộc thi sản phẩm cấp huyện để chọn sản phẩm thi cấp tỉnh.
(3) Các tổ chức chính trị – xã hội – ngành nghề: Liên minh các HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh: Xây dựng và phát triển tổ chức HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh; Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh: Tham gia vào các chuỗi giá trị hình thành trong đề án; Hội Nông dân: Chịu trách nhiệm tuyên truyền và động viên các hội viên tham gia đề án; Các trường dạy nghề trong tỉnh: Tham gia đào tạo các ngành nghề liên quan đến dự án, quản trị kinh doanh, tiếp thị cho các cộng đồng tham gia dự án.
(4) Vai trò của người dân, tổ chức kinh tế (Doanh nghiệp, HTX) đóng vai trò chủ đạo trong Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Người dân và tổ chức kinh tế chính là người phát hiện ra tiềm năng của quê hương mình, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh nhất, đồng thời lập kế hoạch để phát triển, tập trung sản xuất, chế biến để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Động lực cơ bản để Chương trình phát triển bền vững chính là phải đặt người dân nông thôn vào vị trí trung tâm của quá trình triển khai, phát triển mọi hoạt động trong Chương trình.
Chương trình OCOP quốc gia sẽ được nhân rộng trên phạm vi cả nước
Hội thảo giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm chương trình quốc gia OCOP tổ chức lần này là lần đầu tiên Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức, lồng ghép hội chợ ở quy mô toàn quốc.
Đồng thời, hội thảo cũng nhằm đánh giá lại công tác xây dựng Đề án Chương trình quốc gia OCOP, trao đổi các giải pháp xúc tiến thương mại, các vướng mắc về cơ chế, phương pháp triển khai tại các địa phương. Hội thảo là bước “tập dượt” ban đầu để Trung ương và các địa phương nghiên cứu, học tập trong xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia OCOP.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ kinh nghiệm của Quảng Ninh trong việc triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2013-2016.
Năm 2013, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong triển khai chương trình OCOP với mục tiêu phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm có lợi thế địa phương; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất”; tăng thu nhập cho nhân dân.
Triển khai chương trình OCOP, giai đoạn 2013-2016, từ tỉnh đến các địa phương đã chủ động thành lập Ban Điều hành OCOP, triển khai các dự án phát triển sản xuất, tổ chức hội thi đánh giá và phân hạng sản phẩm. Tổ chức thi thiết kế logo, bao bì sản phẩm; quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm và điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; đăng ký bảo hộ cho 28 sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh…
Sau 3 năm triển khai, Quảng Ninh đã phát triển 210 sản phẩm với sự tham gia của 180 tổ chức kinh tế sản xuất. Tất cả đều là sản phẩm hàng hóa, có giá trị, được thị trường đón nhận. Chương trình đã khẳng định một nét riêng có của Quảng Ninh, là hướng đi đúng đắn góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015.
Kết quả trong triển khai Chương trình OCOP của Quảng Ninh đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá là cách làm rất đúng đắn, được Chính phủ khuyến khích nhân rộng ra toàn quốc.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu: Giai đoạn 2017-2020, Chương trình OCOP sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hoá có thương hiệu, trong đó có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.
Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đạt 250 sản phẩm được đăng ký OCOP (bao gồm hoàn thiện 130 sản phẩm đã có, phát triển mới 120 sản phẩm), trong đó có 12 sản phẩm cấp tỉnh; đưa 6 sản phẩm cấp tỉnh đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia. Mỗi địa phương lựa chọn ít nhất 2 sản phẩm (phấn đấu 31 sản phẩm) để tạo vùng sản xuất tập trung và xây dựng nâng cao thương hiệu.
Để triển khai hiệu quả chương trình OCOP quốc gia, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các địa phương tập trung nguồn lực, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai chương trình phù hợp với thực tiễn địa phương, tiếp tục tham gia đóng góp các ý kiến để bộ hoàn thành đề án.
Đề nghị các địa phương xác định vai trò then chốt của xúc tiến thương mại trong chuỗi chu trình sản phẩm OCOP nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Từ đó, thúc đẩy hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản của địa phương mình.
Trên cơ sở bài học kinh nghiệm của Quảng Ninh cùng với sự vào cuộc tích cực của bộ, ngành trung ương và địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tin tưởng rằng chương trình OCOP quốc gia sẽ được triển khai nhân rộng thành công trên phạm vi cả nước./.
Sáng kiến OCOP của TS Trần Văn Ơn đã giúp Quảng Ninh có được “quả ngọt” khi 180 doanh nghiệp thực hiện 103 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với 210 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP. Doanh số của các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất từ OCOP hơn 672 tỷ đồng sau ba năm thực hiện chương trình này.
Cha đẻ “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) là GS Morihiko Hiramatsu, tỉnh trưởng Oita, tỉnh nghèo của Nhật. Trước làn sóng công nghiệp hoá cao độ, dân ùn ùn lên đô thị, nông thôn gần như bị bỏ hoang. Morihiko kêu gọi FDI thất bại, ông kịp nhận ra Oita có nhiều sản phẩm đặc trưng, văn hoá rất đa dạng, tại sao không kêu gọi mỗi làng một sản phẩm?
Trọng tâm của OVOP là sản phẩm để phát triển sản xuất và thương mại hoá sản phẩm. Người Nhật giữ ba nguyên tắc khi thực hiện OVOP: tư duy thế mạnh bản địa, hướng đến toàn cầu, người dân tự tin sáng tạo. Thành công vang dội của OVOP khiến 40 quốc gia tới học, phần lớn là nguyên thủ trực tiếp học hỏi.
Thái Lan, chính cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã sang Nhật học để xây dựng chương trình OTOP (One Tambon One Product). Là “tín đồ” OVOP, TS Ơn tự trả lời câu hỏi: Vì sao Việt Nam không quan tâm? Vì các vị ở nhà ngồi nghe rồi đưa ra dự án “Mỗi làng một nghề”. Trong khi người ta chọn mỗi làng một sản phẩm, bán sản phẩm chứ không bán được nghề. Rõ ràng là chuyện mỗi làng một nghề là không hiểu bản chất, nhưng lại muốn thay đổi, lại muốn làm cái gì đó rất mơ hồ nên chương trình “Mỗi làng một nghề” không chạy được.
OCOP là sáng kiến của TS Ơn, đã thuyết phục được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Khác các chương trình hỗ trợ thường thấy (hết kinh phí là mọi thứ cũng kết thúc), OCOP mỗi năm thi một lần. Không chấp nhận cách đôn doanh nghiệp làm thương mại dịch vụ lên để có số lượng doanh nghiệp mà không tạo ra giá trị, không đi vào trọng tâm sản phẩm. Nếu chỉ chú trọng giải pháp số lượng thì sẽ không thể giải quyết gốc rễ vấn đề, và cũng sẽ không thể có thành công của OCOP, theo TS Ơn.
“Biến chiến trường thành thị trường” là lời hiệu triệu doanh nghiệp Thái Lan bằng mọi cách phải làm cho “Đông Dương” mua hàng của họ.
“Thế mà mình không để ý, tới bây giờ sang bên Thái chẳng thấy có cửa hàng nào của mình, dù là công ty lớn. Trong khi đó, cuộc đổ bộ của họ, hầu hết là OTOP đã lớn lên trên đường đi. Rồi đây hàng Thái sẽ nhanh chóng giành lấy chỗ của hàng Trung Quốc”, TS Ơn nhấn mạnh.
Dân mình có rất nhiều tiềm năng, OCOP chính là cách nhà nước kiến tạo cuộc chơi để người dân biến nguồn nguyên liệu bản địa thành những sản phẩm có giá trị thương mại, nếu biết cách khơi dậy. TS Ơn có đủ bằng chứng để khẳng định rằng những vùng núi cao, hẻo lánh, dân tộc thiểu số vẫn có thể thành công với các nguyên tắc của OCOP: nguồn nguyên liệu đầu vào chuẩn hoá theo tiêu chuẩn GACP của tổ chức Y tế thế giới (WHO), công thức tối ưu được bào chế phù hợp với cơ địa của người Việt Nam và nhà máy sản xuất hiện đại, đạt tiêu chuẩn GMP của WHO.
Bây giờ các tỉnh muốn làm OCOP đã có kinh nghiệm xoay quanh sản phẩm gốc bản địa, dựng lên mô hình tổ chức, gắn với tinh thần khởi nghiệp, hàng năm tổ chức thi, TS Ơn nói tiếp: bản chất cuộc thi là đẩy người ta lên và thúc đẩy xúc tiến thương mại, thông qua đó sản phẩm được dán nhãn 3 sao, 4 sao, 5 sao, được quảng bá. Nếu không có sao nào thì năm sau thi tiếp, chẳng có vấn đề gì. Từ đó xây dựng điểm bán hàng theo hệ thống OCOP, cứ làm bài bản thì người dân sẽ tin.
“Một công ty của người Dao đỏ đã chia lãi một phát tới 60%, tôi giải thích với anh em chia vậy hết vốn phát triển rồi còn gì, họ rút xuống 41%, vậy cũng còn lớn quá. Nhưng cứ mười người, đôi ba người không thể đi tiếp do chọn nhân sự chưa chuẩn, 3 – 4 người thành công nên có thể hiểu niềm vui của 41% là thế nào”.
TS Ơn nhận xét: gắn với lớp trẻ, cứ lớp 30 tuổi chấp nhận sự thay đổi là lên nhanh lắm, với điều kiện người dân tham gia, không tính những ông lớn vào đầu tư, đuổi dân đi chỗ khác. Quảng Ninh có hẳn bộ nhận diện nhãn hiệu OCOP; chu trình chuẩn và bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm chương trình OCOP Quảng Ninh.
“Mất ba năm tư vấn, giải thích, huấn luyện, chuyển giao và vận hành doanh nghiệp, thậm chí trợ vốn không tính lãi để sản phẩm mới ra đời”, TS Ơn nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban điều hành OCOP Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được tỉnh Quảng Ninh xây dựng và triển khai từ cuối năm 2013, thông qua việc nghiên cứu và học tập phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản và “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” (OTOP) của Thái Lan nhằm tập trung phát triển sản phẩm từ những lợi thế về tài nguyên, văn hóa, lao động ở khu vực nông thôn bằng chính sự tổ chức của cộng đồng, thông qua đó, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn và phát triển một cách bền vững.
Chương trình OCOP Quảng Ninh được hình thành với mục tiêu: Hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Trên cơ sở nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh (từ sản xuất – thu hoạch – chế biến – tiêu thụ) để gia tăng giá trị nguyên liệu bản địa. Chương trình OCOP xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm (sản phẩm và dịch vụ) và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Chia sẻ kinh nghiệm của Quảng Ninh trong quá trình thực hiện chương trình OCOP, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc nêu ra 2 mục tiêu quan trọng mà Quảng Ninh đã và đang thực hiện. Thứ nhất, phát triển các hình thức tổ chức SXKD các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các xã, phường, thị trấn gắn với xây dựng NTM. Thứ 2, thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn, góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nhân dân, hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, đã có 180 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất được thành lập, đăng ký tham gia với trên 210 sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ được cấp nhãn mác OCOP, trong đó có 99 sản phẩm của chương trình đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Nhiều sản phẩm trong số này phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Rượu mơ Yên Tử, Mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, ba kích Ba Chẽ, trứng gà Tân An, chả mực Hạ Long, hoa Hoành Bồ, rượu ba kích Yên Tử… Sau khi triển khai tái cơ cấu theo hướng sản xuất tập trung, các sản phẩm đều đảm bảo đủ điều kiện phát triển thành hàng hóa với sản lượng lớn.
Không chỉ tập trung sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, tính chuyên nghiệp của chương trình thể hiện cả ở việc thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm, website theo hướng hiện đại. Nhãn hiệu OCOP đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, đồng thời, in ấn đồng bộ trên tất cả các sản phẩm.
Kinh nghiệm thực tế triển khai OCOP tại Quảng Ninh
Từ việc triển khai cho thấy, Chương trình OCOP là một chương trình mở, không đóng khuôn và chưa có tiền lệ, là một hình thức phát triển kinh tế – xã hội không chỉ vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực đô thị thông qua việc thực hiện thúc đẩy, phát triển các tổ chức kinh tế (tập trung tái cấu trúc và thành lập mới DN, HTX), thông qua việc phát huy nguồn lực địa phương và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP.
Do vậy triển khai thực hiện OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân. Bài học kinh nghiệm rút ra là:
– Khi triển khai Chương trình cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình OVOP và OTOP, học tập về nguyên tắc chứ không dập khuôn máy móc, có sự đánh giá và điểu chỉnh từng bước trong quá trình thực hiện cho phù hợp với thực tiễn kinh tế thị trường trong nước và địa phương.
– Chương trình phải được tổ chức quản lý khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện; Thiết lập được tính pháp lý của toàn bộ chương trình; Xây dựng được hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển DN, HTX, hỗ trợ phát triển sản phẩm trên nền tảng hỗ trợ phát triển nghiên cứu, ứng dụng KHCN, công tác hướng dẫn lập và quản lý các dự án đầu tư, các dự án sản xuất.
– Phải có sự vào cuộc chỉ đạo nhiệt tình, tâm huyết của lãnh đạo trong quá trình triển khai. Tính hệ thống và tổ chức của chương trình phải được tổ chức chặt chẽ và được trao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp để thực hiện. Phải khởi động, thúc đẩy được sự đề xuất, tính sáng tạo từ dưới lên (từ nhân dân, nhóm hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX).
– Thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm, cùng với thiết kế sản phẩm, mẫu mã bao bì, đóng gói sản phẩm là rất quan trọng.
– Xây dựng được thương hiệu (hình ảnh nhãn hiệu chương trình, bảo hộ sở hữu trí tuệ, quản lý sử dụng) và bảo vệ chất lượng sản phẩm của chương trình thông qua việc chấm điểm sản phẩm theo quy định.
– Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình OCOP, sản phẩm OCOP.
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), từng bước thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ ở khu vực nông thôn, đô thị, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Những kinh nghiệm triển khai thành công OCOP của Quảng Ninh là kinh nghiệm quý báu cho các tỉnh học tập, sẽ góp phần giúp ích cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đưa sản phẩm nông sản Việt Nam vươn xa ra thế giới.
https://ruoumoyentu.vn tổng hợp
VỀ CHÚNG TÔI
Thang Long Brewery tiền thân là Xí nghiệp bia Thăng Long, được thành lập năm 2001 tại Uông Bí, Quảng Ninh. Công Ty TNHH Đồ Uống Truyền Thống Việt Nam (gọi tắt là VTB) là đại diện thương mại của Thang Long Brewery, được thành lập năm 2017. VTB trực tiếp phân phối các sản phẩm rượu đặc sản OCOP Quốc Gia: rượu mơ Yên Tử, rượu ba kích Yên Tử, rượu mơ Song Lộc, rượu gạo Cuốc Lủi. Tập thể cán bộ Công ty luôn mong muốn mang đến khách hàng trong và ngoài nước các sản phẩm đồ uống truyền thống Việt Nam đạt chuẩn chất lượng Quốc tế, tốt cho sức khỏe, được làm từ nông sản sạch có nguồn gốc rõ ràng, ứng dụng công nghệ chế biến thực phẩm hiện đại, giám sát chất lượng chặt chẽ theo tiêu chuẩn Quốc tế.